Chẳng biết là từ đâu, từ bao giờ, cánh đàn bà vẫn ngậm ngùi than với nhau rằng, lấy chồng như đánh bạc. May thì được thằng tử tế, không may thì khổ cả đời.
Tôi có cô em họ cũng vào loại xinh xắn. Hơn ba mươi tuổi rồi nhưng vẫn chưa chồng cũng chỉ tại không dám liều. Sợ lấy chồng như nuôi con đề, nuôi con này lại về con khác.
Những năm cuối 80, lúc ấy còn đang học cấp ba, trên TV chiếu một bộ phim gì đó của Ấn độ nội dung tôi cũng chẳng nhớ rõ.
Đại khái là có một anh yêu một chị, tình duyên trắc trở vì mối thù truyền kiếp của hai họ, rồi họ nhẩy xuống sông Hằng để được bên nhau mãi mãi. Tôi không thích phim Ấn độ lắm, cái tôi không thích nhất là diễn viên đang đánh nhau, lúc gay cấn nhất thì dừng lại múa hát chán chê mới đánh nhau tiếp.
Chính vì thế mặc dù rất đói khát phim ảnh, nhưng nếu bật TV lên mà thấy diễn viên có nốt ruồi giữa trán là tôi không xem.
Cô em họ tôi thì ngược lại, rất thích phim Ấn độ. Mà cô ấy xem phim cũng khác lạ, tình huống bi lụy trong phim khiến các bà các cô sụt sùi lấy khăn chấm nước mắt thì cô ráo hoảnh.
Nhưng cảnh diễn viên nam chính đánh nhau bị thua thì cô ấy lại khóc rưng rức. Xem phim chỉ để ngắm diễn viên nam đẹp trai.
Một thời gian sau, cô giới thiệu cậu bạn trai với tôi. Trông cậu này có nét Ấn độ. Tóc để rợp gáy, mái bồng bềnh. Đôi mắt to tròn mầu nâu hơi ươn ướt dưới làn mi rậm rạp.
Quần áo của cậu ta rất mốt: quần bò mốc có khóa kéo ở đầu gối, áo phông kẻ gắn con cá sấu trên miệng túi. Cô em nức nở: “Đẹp giai không anh? Bao nhiêu đứa thích anh ấy mà em chiến thắng”. Tiếp xúc với chàng trai này vài lần, tôi bảo: “Thằng người yêu mày đần đần thế nào ấy, được mỗi cái mã. Giống như con công đực có bộ lông sặc sỡ.”
Vài tháng sau thấy cô em mặt buồn so, hỏi thăm thì cô bảo:“Chia tay Con Công rồi, chỉ được mỗi cái mã.
Người đâu mà nhạt như nước ốc ao bèo, chả biết làm cái gì. Đến cái lốp xe đạp của em bị non hơi cũng không biết bơm, chán kinh!”
Khi cô ấy khoảng hai mươi tuổi, đã vào đại học, lại mang đến giới thiệu tôi một anh chàng khác. Chàng này xét về mẫu mã thì thua Con Công, nhưng mặt mũi góc cạnh cũng không đến nỗi nào. Đặc biệt, chàng hoạt bát, nhanh nhẹn, rất galant với phụ nữ và nói chuyện có duyên làm nhiều lúc tôi phì cười.
Tôi bảo:
- “Thằng này có vẻ được đấy nhỉ. Biết làm nhiều trò khỉ”.
Cô em tôi hất cằm đầy vẻ hãnh diện, buông một câu cảm thán: “Chuyện! Người yêu em mà lị”.
Tình yêu với Con Khỉ kéo dài đâu vài năm thì chấm dứt. Gần chùa gọi bụt bằng anh, những thế mạnh trước đây của Con Khỉ hấp dẫn em tôi thì nay trở nên quen thuộc nhàm chán. Nhàm chán với người này nhưng vẫn mới lạ với khác. Em họ tôi buồn bã mất một thời gian, gặp tôi bảo: “Thà đau một lần còn hơn đau nhiều lần anh ạ.
Con Khỉ bắt cá nhiều tay quá”. Tôi an ủi:
- “Thôi, không chịu được nhiệt thì bỏ, thiếu gì đàn ông”.
Ra trường một thời gian, cũng đến tuổi lấy chồng được rồi.Cô em tôi lại có mộtanh chàng khác, hiền lành ít nói. So với Con Công và Con Khỉ thì anh chàng này kém nổi bật hơn hẳn. Cô em bảo: “Đau tim với Con Khỉ lắm rồi, giờ yêu anh này cho yên bình”.
Tôi bảo:
- “Nó như Con Lợn ấy nhỉ, suốt ngày chỉ ụt à ụt ịt”.
Con Lợn rất hiền, bảo gì làm nấy. Con Lợn là công chức nhà nước, cả ngày ở cơ quan chỉ đọc báo, uống nước trà và ngủ gật. Hết giờ làm việc đến trình diện ở nhà em tôi, tối đi về nhà ngủ với mẹ.
Ngày nghỉ nếu không bị em tôi điệu đi đâu thì chỉ ở nhà ăn no rồi ngủ tít mít. Lương ba cọc ba đồng nên Con Lợn chi tiêu cũng rất tằn tiện.
Hôm sinh nhật cô tôi, em tôi phải chi tiền mua quà để cậu tặng lấy lòng mẹ vợ tương lai.
Nhiều lúc em tôi nổi cáu, Con Lợn khoanh tay cúi đầu chịu trận đầy cam phận. Đàn ông như Con Lợn là ngoan, nhưng thối chí, an phận với cuộc sống nhạt nhòa nên cũng không thành đôi với em họ tôi được.
Duyên tình em tôi lận đận, đến gần bamươi thì kiếm được một Con Bò. Anh chàng này khỏe, chăm chỉ làm việc. Công to việc lớn gì ở nhà em tôi,từ gánh nước bổ củi đến ma cưới hỏi đều thấy Con Bò xắn tay làm nhiệt tình như con cháu trong nhà. Mà chẳng phải chỉ việc nhà, kiếm tiền ngoài xã hội cũng rất khá.
Hơn ba mươi tuổi đầu đã có nhà lầu xe hơi. Hình thức cũng được, chẳng kém Con Công xưa kia là bao nhiêu.
Tính tình vui vẻ, nói năng hoạt bát như Con Khỉ. Chẳng chơi bời bài bạc, ngoan ngoãn như Con Lợn.Rốt cục thì em tôi cũng đến số, cả họ nhà tôi mừng.
Ấy vậy mà cũng không thành mới tệ. Lần này em tôi câm như hến chẳng giải thích lý do chia tay.
Thấy vậy tôi cũng không dám hỏi.
Ba mươi rồi, gái già rồi, đổi tính đổi nết sợ lắm!
Cho đến mãi sau, một hôm em tôi phấn khích vì mới mua được cái váy đẹp, mang sang nhà tôi khoe, tôi mới lân la cà khịa: “Đấy , già quá rồi, kiếm được cái váy níu kéo tuổi xuân là khoe nhặng lên. Ngày xưa Con Bò hay thế mà lại bỏ. Đồ hâm!”
Em tôi liếc nhìn xung quanh xem có ai không, rồi cúi đầu, nháy mắt thì thầm:
- “Khoản kia yếu lắm, hỏng rồi”.
Thì ra là thế, tôi bảo:
- “Mày phải kiếm một thằng vừa Công, vừa Khỉ, vừa Lợn, vừa Bò lại phải là Dê. Xin về vườn thú mà làm việc, may ra gặp”.
Em họ tôi cười lóe xóe, vừa đi về, vừa ngoái cổ lại bảo:
- “Số em nó khổ thế đấy anh ạ”.